Khi còn là một đứa trẻ, ai trong số chúng ta không thấy một cảm giác ớn lạnh khi nhìn vào một góc tối nơi không bao giờ ánh sáng mặt trời có thể lọt tới. Thế đâu là chìa khoá của sự bí hiểm này? Đương nhiên đó là điều kì diệu của bóng tối. Nếu như bóng tối bị ngăn không vào những góc đó thì góc kia cũng chỉ đơn thuần là một góc trống rỗng.
Ở châu Á, ánh sáng và bóng tối dường như gần với nhau hơn. Như hai mặt của một đồng xu, chúng thuộc về nhau. Cái mà người phương Tây chia thành những phần tử, sự đối lập, sự tương phản, nguyên nhân và hậu quả, trong quan điểm của người phương Đông nó dường như là một chỉnh thể, một tổng thể không có biên giới riêng biệt, cả cái này và cái kia, bóng tối và ánh sáng.
"Sự tán dương bóng tối" là một bài tiểu luận sâu sắc và hấp dẫn về nhận thức của người phương Đông về cái đẹp được nhà văn Nhật Bản Junichiro Tanazaki viết vào năm 1930. Ông đã phản ánh những quan điểm khác nhau giữa phương Đông và phương Tây về bóng tối và ánh sáng: Bóng tối không làm ta đau khổ; chúng ta chấp nhận nó như một điều không tránh khỏi. Nếu như ánh sáng khan hiếm, chúng ta sẽ đắm chìm vào trong bóng tối và ở đó sẽ phát hiện ra được vẻ đẹp đặc biệt của chính nó. Người phương Tây tiến bộ bao giờ cũng luôn mong ước kiến tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ nến đến đèn dầu, từ đèn dầu đến đèn khí, và tiếp tục đến đèn điện. Việc đi tìm kiếm một thứ ánh sáng tốt hơn không bao giờ chấm dứt, anh ta đã không quản khó nhọc để vất bỏ đi thậm chí là chỉ một chút xíu bóng tối.
Từ thời các thánh đường Gôtích, điện thờ đạo Cơ đốc, bệ thờ luôn được tọa ở nơi sáng nhất của nhà thờ. Và khi chúng ta triển lãm trong viện bảo tàng Bóng tối và Ánh sáng, tượng Thánh cổ quý giá bao giờ cũng được đặt ở vị trí sáng nhất, nổi bật nhất có thể trong viện bảo tàng. Với chúng ta, bóng tối là tiêu cực, u ám; theo quan niệm của người phương Tây, ánh sáng trong kiến trúc là thiết yếu. "Mặt trời không bao giờ có thể biết được nó tuyệt vời nhường nào", đã có lần kiến trúc sư Louis Kahn thốt lên như thế tại Kathmandu, "đến khi nó ngả bóng xuống bức tường của một toà nhà". Khoảng hơn 40 năm về trước, Le Corbusier cũng đã viết theo nguồn cảm hứng như thế: "Kiến trúc là một trò chơi kĩ năng, chính xác và tráng lệ của các mảng khối được cùng đưa ra ánh sáng". Để nhìn thấy hình dạng dưới ánh sáng chính là chức năng của mắt ta".
Tuy nhiên ở Nepal, các vị thần lại trụ trong bóng tối, trên những ban thờ toả khói và tận góc trong cùng của thánh đường, và bao quanh là sự tĩnh lặng của những ngọn bằng dầu hay bơ. Rất ít khi các vị thần đó rời khỏi nơi này: sau đó, tuy nhiên, các vị thần sẽ được tắm bằng nước, ánh sáng và được rước vòng qua các thành phố trong những ngày lễ, và rồi sau đó các vị thần lại được trở về trong bóng tối quen thuộc của điện thờ.
Nhiều năm về trước, rất nhiều những bức tượng quý giá ngày nay ở viện bảo tàng Patan đã được mang đến từ các nơi thờ cúng vì lý do rất nhiều cổ vật đã bị ăn trộm. Chúng được bảo quản trong các nhà kho nhà nước nhưng hoàn toàn thiếu đính chính về địa điểm ban đầu của chúng. Điều này đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: Chúng ta nên đối xử với những bức tượng bằng đồng này như các vị thần như vị thế trước đây của chúng trong nhà thờ hay như những tác phẩm nghệ thuật và những vật triển lãm? Chúng ta nên đặt chúng trong bóng tối tại một hốc tường sâu, với những vết tích của cuộc tế lễ bằng máu cùng thần sa trên đó và nước mạ vàng chỉ còn chút xíu, hay nên cho chúng ra ánh sáng rực rỡ ban ngày, tráng phủ chúng bằng chất halogen hay chất phát sáng bằng huỳnh quang, báng bổ các vị thần một lần và vĩnh viễn thành các đồ vật trong lịch sử tôn giáo và nghệ thuật ?
Một điều không phủ nhận (và đối với một số người thậm chí còn là điều an ủi) rằng việc di dời các tượng thánh và các đồ tế lễ từ các chùa chiền, miếu mạo đến các viện bảo tàng và các bộ sưu tập riêng đã tách nghệ thuật tín ngưỡng ra khỏi thực tế sống động của chúng. Từ góc độ tín ngưỡng các vị Thánh, chúng được đưa đến một vị thế mới của tín ngưỡng thế tục - sự sùng bái nghệ thuật.
Liệu chúng ta có làm mất đi lời cầu nguyện ẩn náu sau vẻ đẹp không ? Liệu viện bảo tàng nhân văn có cố chấp trong việc các vị thánh của nền văn hoá cổ phải được càng giữ nguyên theo đúng ngữ cảnh của chúng càng tốt và không bị tước đi bóng tối, màn bao phủ thông thường nhất của chúng? Hẳn đã có thể nhẹ nhõm hơn trong những cân nhắc này nếu được biết đến ý kiến của Ian Alsop, một học giả về Kinh thánh và văn hoá (và là nhà điều hành lĩnh vực nghệ thuật châu Á trên mạng, đồng thời phụ trách trang Web của viện bảo tàng Patan). Ông đưa ra những lời bình luận sau: Việc sử dụng từ "báng bổ" như trên có lẽ là quá nặng nề. Sự thật là sẽ rất có giá trị nếu có thể duy trì tình trạng của các vật thể này như chúng ta nhìn thấy trong các thánh đường. Tôi cảm thấy sự tương phản giữa việc nhìn ngắm hình tượng của vị thần như một tượng thánh thiêng liêng và như một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải loại trừ lẫn nhau như người ta vẫn thường nghĩ. Nhìn ngắm một bức tượng trong tình trạng ban đầu của nó, được lau chùi và trùng tu, bỏ bớt những quần áo cúng tiến, châu báu, và dưới ánh sáng lấp loá cũng không có nghĩa là báng bổ. Ở một góc độ nào đó, có thể nói trên thực tế vấn đề phải là ngược lại mới đúng.
Sự khác biệt giữa bức tượng trong thánh đường và bức tượng trong viện bảo tàng sẽ lớn hơn nhiều ở thái độ của người ngắm nó chứ không phải là trong vấn đề ánh sáng. Tôi còn nhớ chuyến đi tham quan triển lãm bộ sưu tập của Bertie Aschmann tại bảo tàng Rietberg tại Zyrich, tôi đã rất ấn tượng với một người phụ nữ đứng tuổi Tây Tạng khi bà ta cầu nguyện kín đáo trước các bức tượng. Và như thế, các bức tượng đó ngay lập tức đã trở lại thành các vị Thánh. Tôi chắc chắn rằng bạn đã nhìn thấy những bông hoa đặt dưới những bức tượng Shiva Lingam hay đặt những đồng xu vào bức tượng Ganesh trong bảo tàng Patan - và thực tế là trong hầu hết các bảo tàng.
Ở một khía cạnh khác, các bức tượng này cũng là những tác phẩm nghệ thuật. Tôi rút ra bài học sau những phản ứng lại của các bạn điêu khắc của tôi ở Patan - tất cả đều là các tín đồ đạo phật thành tín - khi họ nghiên cứu các cuốn sách có minh hoạ về nghệ thuật của Nepal. Họ đã đọc ngấu nghiến, đã ca ngợi tài nghệ và tính tao nhã, nhưng đã phê bình những nhược điểm và tính thô bạo. Những lời bình luận và sự đánh giá cao lẽ đương nhiên đều xuất phát từ quan điểm của các hoạ sĩ. Các vị thần này rõ ràng trước hết phải là các tác phẩm nghệ thuật đối với họ. Bởi vì cái làm cho các hoạ sĩ này thấy thích thú chính là những bức ảnh về những pho tượng được chiếu sáng cẩn thận, dường như rõ ràng rằng đối với sự nhận thức về nghệ thuật, ánh sáng tốt là điều thiết yếu- trong khi nó không loại trừ sự ngưỡng mộ của người sùng đạo.
Như vậy, dù sao chúng ta cũng tìm ra câu trả lời chính xác cho những câu hỏi về những bức tượng trong bảo tàng Patan, đưa ra những vấn đề còn mơ hồ giữa bóng tối và ánh sáng. Chúng ta phải chấp nhận như một điều không tránh khỏi sự biến thái của các vị thánh thành các vật triển lãm nghệ thuật, và chiếu sáng chúng ít nhất là bằng thứ ánh sáng dịu. Trong một số trường hợp, điều tốt nhất chúng ta có thể làm như một sự an ủi nhỏ cho quá khứ của những bức tượng đó là cạnh tranh với phong cách truyền thống trong việc thắp sáng các bức tượng Thánh với những ngọn đèn dầu xung quanh phía dưới chân tượng. Việc này đã đạt được bằng cách cho chiếc gương vào phía dưới để phản chiếu ánh sáng từ phía trên, và điều này cũng làm rạng rỡ thêm các đường nét vật được triển lãm từ phía dưới.
Trong một chuyến viếng thăm ông Christian Bartenbach, một chuyên gia nổi tiếng về ánh sáng tại xưởng vẽ, ông đã cho tôi một số lời khuyên cơ bản về việc chiếu sáng trong viện bảo tàng và nhắc nhở tôi không nên bước vào một cái bẫy thịnh hành của việc chiếu sáng bằng đèn pha rực rỡ vào các đồ vật triển lãm mà đáng ra là phải ở trong một cái phòng gần như tối hoàn toàn. Vào thời điểm đó, phải thừa nhận là điều này có vẻ hấp dẫn tôi, đặc biệt khi vừa được chiêm ngưỡng sự trưng bày gây ấn tượng sâu sắc tại Oaxaca, viện bảo tàng nghệ thuật trước Columbia, một trong những viện bảo tàng đẹp nhất trong vô số các viện bảo tàng tinh tuý của Mexico.
Điều kiện chiếu sáng hiện thời trong các phòng trưng bày cổ ở Patan đã chứng minh là có lợi cho điều mà tôi tin là đã học được. Những chiếc cửa sổ nhỏ, được nhấn sâu vào các bức tường phía ngoài, đã cung cấp đủ ánh sáng ban ngày. Thứ ánh sáng này sẽ được lọc qua những tấm lưới thanh nhã và hoàn toàn không làm loá mắt người xem khi đứng trước giá trưng bày. Được đặt tương đối thấp và gần với sàn, nên khi được nhìn từ xa, phía các phòng hẹp của cung điện, chúng tạo ra một luồng ánh sáng nhạt vào vùng tranh tối tranh sáng, chắt lọc lấy ánh sáng mờ nhạt từ xa phía ngoài và phản chiếu lên những viên đá lát sàn đựơc đánh bóng. Ở một vài chỗ, nơi những cửa sổ như thế có thể phản chiếu quá nhiều vào kệ kính đặt đồ trưng bày, chúng sẽ đựơc che bằng các bức rèm.
Trong hai phòng trưng bày phía đông của bảo tàng đã đựơc trùng tu lại , chúng tôi đã hạn chế ánh sáng ban ngày để định hướng cho những tia sáng nằm ngang, những khe hở giữa mái và những bức tường phía ngoài. Những dải ánh sáng này làm cho mái nhà dường như nổi lên một vành mũ rộng trong khi những bề mặt gỗ phía trong nhận được thứ ánh sáng gián tiếp được phản chiếu lại. Điều này làm ánh sáng dịu đi và căn phòng có thể hấp thu những mảng màu xanh chi phối từ ngoài vào. Tất cả sự chiếu sáng khác của phòng trưng bày có được từ những bóng đèn sáng chói làm nổi bật các vật trưng bày. Ánh sáng này thường có được từ nhiều phía, trước khi hoà trộn vào nền tối hơn.
Chỉ có một tia sáng có thể thâm nhập vào cái tranh tối tranh sáng của nội thất: nó lọt vào và chỉ khi trăng mọc, qua một lỗ hổng hình tam giác nhỏ trên bức tường cao phía nam ngay dưới mái. Đôi khi nó xuyên qua những vệt dài thoảng qua của khói hương trầm, như thông báo đã tìm thấy đường vào sự tĩnh lặng. Tia sáng này chậm chạp lần theo hình vòng cung có đời sống ngắn ngủi trên sàn để định hướng - cả về không gian và thời gian- cho những ai tìm kiếm nó.
Goetz Hagmuler
(Hạnh Linh dịch từ Nghệ thuật Châu Á